Trong văn học cổ điển Việt Nam và đặc biệt dưới chế độ phong kiến thời xưa, Hồ Xuân Hương là 1 trong những cây bút phụ nữ có vai trò đóng góp to lớn trong văn học dân tộc ta. Hồ Xuân Hương cuộc đời người phụ nữ chịu cảnh chung chồng, bằng tài năng thơ ca có thể đả kích xã hội phong kiến thối nát bằng tất cả uất giận của mình.
Sau Nguyễn Du với Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương là nhà thơ cổ điển được nhắc tới nhiều lần, gây ra nhiều tranh luận nhất. Hồ Xuân Hương chỉ để lại độ năm chục bài thơ tám câu hoặc bốn câu, nhưng chiếm một vị trí thật đặc biệt trong văn học Việt Nam. Người đàn bà ấy đã cất tiếng lên, và tiếng của nàng, ai đã nghe thì không quên được, không quên nổi.
Thơ Hồ Xuân Hương là thứ thơ không chịu ở trong cái khuôn khổ thông thường, một thứ thơ muốn lặn thật sâu vào sự vật, vào những đáy rất kín thẳm của tâm tư. Những đáy kín thẳm ấy không phải lạc lõng, cô đơn, cá nhân chủ nghĩa, mà trái lại, được hàng vạn, hàng vạn người đồng tình, thông cảm.
Tuy nhiên ít ai biết chính xác về cuộc đời Hồ Xuân Hương, năm sinh năm mất của bà cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Người ta chỉ biết đến cuộc đời bà qua các bài thơ. Thơ của Hồ Xuân Hương còn cho đến nay là nhờ sự bảo vệ của quần chúng nhân dân, họ không cất ở viện bảo tang thư, mà cất trong trí nhớ của họ. Vì sao rất nhiều phụ nữ thời xưa phải chịu cuộc đời giống cảnh của Hồ Xuân Hương, nhưng mấy ai có thể lên tiếng và lên án nó một cách đầy giễu cợt như vậy.
Hồ Xuân Hương là một kì nữ không chịu được cúi đầu trước số phận, dù là kì nữ nhưng vẫn phải chịu cảnh chung chồng đi làm vợ lẽ cho người. Hồ Xuân Hương là người đồng thời với Phạm Đình Hổ (Chiêu Hổ, 1763-1839), tức là sống cuối đời Lê, qua Tây Sơn, sang đầu Nguyễn.
Hồ Xuân Hương ra đời sau bà Đoàn Thị Điểm (1705-1748) và theo Lê Thước và Trương Chính (Văn Nghệ số 428, ngày 24-12-1972) thì Hồ Xuân Hương có tặng thơ Nguyễn Du (sinh năm 1765). Hồ Xuân Hương là con ông Hồ Phi Diễn, ở làng Quỳnh Đôi (Nghệ An), tức Hồ Xuân Hương là nguồn gốc xứ Nghệ. Mẹ họ Hà, lấy lẽ Hồ Phi Diễn, thì quê ở Hải Dương.
Hồ Xuân Hương sinh trưởng ở đất Bắc. Cha mẹ nhà ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, Hà Nội. Nguyễn Hữu Tiến viết: “Nhà trông xuống Hồ Tây” – lại chú thêm: “Sau, Xuân Hương có thiên ra ở thôn Tiên Thị tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, bây giờ là phố Nhà thờ, gần đền Lý quốc sư. Thế thì Hồ Xuân Hương là người Hà Nội. Đọc thơ Hồ Xuân Hương, có lẽ ta cũng thoáng thấy cái “tính cách Hà Nội” trong đó.
Vì không có tài liệu chính xác, nên không thể xếp cho chính xác trước sau các đoạn đời của Hồ Xuân Hương, nhưng các đoạn chính trong đời Hồ Xuân Hương thì đã soi đường, kết đọng trong những bài thơ; có thể dựa theo những đoạn chính ấy là:
1. HỒ XUÂN HƯƠNG THỜI CON GÁI ĐI HỌC CHỮ NHO:
Các sách kể lại rằng khi cha mất, Hồ Xuân Hương được mẹ nuooi cho ăn học. Tuy còn nhỏ nhưng Hồ Xuân Hương đã bộc lộ tài năng và ý chí hơn người không thua gì nam nhi. Bài thơ “Vinh giếng được cho là làm ở thời này”:
Ngo ngay thăm thẳm tới nhà ông
Giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng,
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép,
Nước trong leo lẻo một dòng thông.
Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
Cá giếc le te lách giữa dòng,
Giếng ấy thanh tân ai đã biết,
Đố ai dám thả nạ dòng dòng?
Trong bài, tài thơ đã rất cao, không non tay chút nào hết; nhưng tình thơ, tứ thơ còn ôm ấp một cái gì non tơ mới mẻ; từ chiếc cầu trắng đến dòng nước trong đều “thảnh thơi”, cỏ gà không phải là mọc cao, cá giếc không phải là quầy mạnh; cái giếng rất thanh và tân. Tuy không có gì làm bằng chứng cả, nhưng ta sẵn sàng tin những người bảo rằng bài này làm lúc Xuân Hương còn đi học; đây là “thơ con gái” như “lúa con gái”.
2. HỒ XUÂN HƯƠNG THỜI TỐNG CÓC:
Có thuyết bảo rằng Xuân Hương lần đầu tiên lấy chồng, lại bị ép uổng lấy một người cai tổng góa vợ, tục gọi Tổng Cóc (lại có thuyết bảo lần đầu Xuân Hương lấy ông phủ Vĩnh Tường). Thời Tổng Cóc không có gì là vui; vì khi ông Tổng Cóc chết đi, Xuân Hương có một cái thở dài thoát nợ, như ngực vừa cất được một cái gì đè nén:
Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi!
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhẻ,
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi!
Xuân Hương đã khổ lắm với người này, thì mới lấy cái tên “Cóc” ra mà đay nghiến. Nòng nọc đứt đuôi, Xuân Hương bảo Tổng Cóc chết hẳn đi, chết không phản hồi; Xuân Hương muốn chôn ông Tổng Cóc hai lần, và bôi vôi vào, đánh dấu vào, thật là đào sâu chôn chặt!
3. HỒ XUÂN HƯƠNG THỜI ÔNG PHỦ VĨNH TƯỜNG:
Một người chồng nữa của Xuân Hương là một ông thủ khoa làm quan đến tri phủ Vĩnh Tường (thuộc Vĩnh Yên), lấy nàng làm vợ lẽ. Trong cảnh lẽ mọn đó, Xuân Hương nào có được như cái hạnh phúc tuy ngắn ngủi nhưng cũng dạt dào của bà Đoàn Thị Điểm, ngoài ba mươi tuổi làm vợ kế nhà danh sĩ Nguyễn Kiều, hai vợ chồng rất tương đắc, rất quý nhau. Xuân Hương, mặc dầu có một ông chồng hay chữ, rất khổ:
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Đến nỗi phải hạ một câu:
Thà trước thôi đành ở vậy xong!
thì cuộc tình duyên với ông thủ khoa thật cũng chẳng có gì vui sướng; và cũng chỉ được ít lâu thì chồng mất. Lần này Xuân Hương không khóc cộc lốc như đối với Tổng Cóc là một kẻ cường hào dốt chữ, mà nàng khóc, với bao suy nghĩ, một tiếng khóc nấc lại hai lần: “Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!”.
4. HỒ XUÂN HƯƠNG THỜI CHIÊU HỔ.
– Các sách có chép lại những giai thoại giữa Xuân Hương và Chiêu Hổ, nhưng vẫn không rõ: hai người làm “bạn thân” xướng họa với nhau vào đoạn đời nào của Xuân Hương? Lúc Xuân Hương đã góa hai lần rồi? Hay là giữa hai lần góa? Chiêu Hổ thọ 71 tuổi, sống từ triều Lê Cảnh Hưng đến triều Nguyễn Minh Mạng. Tác giả Vũ trung tùy bút, là một danh sĩ rất tài giỏi.
Theo ông Văn Tân tính, thì Chiêu Hổ kém Xuân Hương “chừng trên dưới mười tuổi gì đó”; nhưng trên thực tế của những bài thơ xướng họa với nhau, thì hai người cùng là rất trẻ, rất bằng vai; nếu chẳng bằng vai, thì khó mà xướng họa như vậy.
Đây là một đoạn rất lý thú của đời Xuân Hương; Chiêu Hổ và Xuân Hương bình đẳng lạ lùng; Xuân Hương không cho mình là “phận đàn bà” đào tơ liễu yếu, chịu thua sút đàn ông như tư tưởng thông thường thời ấy. Xuân Hương đối chọi nhau từng chữ với Chiêu Hổ, đua ganh nhau từng vần thơ đã đành, mà ở cái giọng đùa giễu trong các bài thơ, ta thấy Xuân Hương là một gái bản lĩnh nhìn thẳng mặt đàn ông.
Người ta kể lại rằng: Có lần Xuân Hương hỏi vay Chiêu Hổ năm quan tiền. Chiêu Hổ đã hẹn cho vay rồi, nhưng sau đưa có ba quan. Xuân Hương ngang nhiên gọi Chiêu Hổ là Cuội (nói dối như Cuội ngồi gốc cây đa):
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt,
Nhớ hái cho xin nắm lá đa!
Chiêu Hổ cũng chẳng phải tay vừa, họa lại nguyên vần, và đe Xuân Hương:
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt, Cho cả cành đa lẫn củ đa.
Nếu Chiêu Hồ mà còn ngại ngần, thì Xuân Hương mỉa mai cho:
Những bấy lâu nay luống nhắn nhẹ,
Nhắn nhe toan những sự gùn ghè.
Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám,
Chưa dám cho nên phải rụt rè.
Nhưng nếu Chiêu Hổ mà dám, thì Xuân Hương lại tự xưng bằng “chị” và lấy ngay cái tên “Hổ” ra mà liên tưởng đến cái “hang hùm”:
Anh đồ tỉnh? Anh đồ say?
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Này này chị bảo cho mà biết:
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay!
5. HỒ XUÂN HƯƠNG THỜI ĐI DẠO.
– Các sách nói rằng sau thời chồng con, Hồ Xuân Hương hay đi đây đi đó, từng trải nhiều danh lam thắng cảnh ở Bắc, ở Trung và tiếp xúc nhiều khách văn chương.
Không duyên, không kiếp, cũng không chồng,
Đây là thời kỳ thênh thang của Hồ Xuân Hương; nếu mà chồng yên con đủ thì trong chế độ cũ giang sơn của người đàn bà thông thường là gia đình… Nhưng Hồ Xuân Hương không được như lòng, nên phải lấy núi sông làm bạn. Đi cho khuây khỏa, đi để giải phóng, thiên nhiên giúp mình vượt những nỗi đau buồn: trong chế độ cũ.
Hồ Xuân Hương cũng chỉ tìm được lối thoát trong sự đặt – mình ngoài vòng nhân sự, là một kẻ không bận việc đời ti tiểu, làm một người ở trên cái đời, “nghêu ngao vui thú yên hà”, như câu thơ Nguyễn Du. Nhưng hơn sự ngao du của nhiều văn nhân đàn ông, Hồ Xuân Hương đặt chân mình đến nơi danh thắng nào, là có thơ hay; bước chân của Xuân Hương in dấu thơ vào đất nước.
Nghĩ đến cuộc đời của Hồ Xuân Hương, ai cũng phải bùi ngùi cho người đàn bà tài tình vào bậc nhất ấy. Tại sao Hồ Xuân Hương lại đi lấy Tổng Cóc góa vợ, tại sao Hồ Xuân Hương lại đi làm vợ lẽ ông phủ?
Có gì lạ đâu! Người ta ấn bà vào những cửa đời ngang trái ấy như đã ấn bao nhiêu phụ nữ khác trong chế độ cũ, chỉ tại vì Hồ Xuân Hương cứng đầu quá, khó tính quá, bản lĩnh to như cái núi, không chịu nhẫn nhục, lại lấy thơ làm dùi nhọn dao sắc, lớn mồm kêu mãi ra khắp cả nước và tận ngoài hai trăm năm! Chuyện đời của Hồ Xuân Hương thì rất thông thường, chỉ tại Hồ Xuân Hương không thông thường, nên nó mới thành ra một cái khổ tâm thiên cổ.
Trích: Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm (Xuân Diệu)
https://tamsuphunu.site/cuoc-song-hon-nhan-la-phai-khoc-nhieu-vay-ha-mn/
https://tamsuphunu.site/tam-su-buon-cho-chi-gai-so-kho-cua-em/